Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4 tháng 11 năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo: "Phát triển GD&ĐT là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành; lí luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và xã hội."
Trong môn Tiếng Việt, Tập
làm văn là phân môn học có tính tổng hợp, thực hành, sáng tạo và thể hiện được
nét riêng biệt của cá nhân. Học sinh ở lứa tuổi tiểu học thường tiếp thu kiến
thức thông qua trực quan sinh động. Vì thế, việc cho các em tiếp xúc, trải nghiệm
qua các hoạt động thực tế rất quan trọng và hữu ích. Được quan sát, trải nghiệm,
các em sẽ tự khám phá những kiến thức thực tế. Từ đó, các em vận dụng những lý
thuyết của thể loại văn đã học kết hợp với những hiểu biết riêng của mình để
làm được những bài văn sáng tạo, mang dấu ấn cá nhân, không theo khuôn mẫu nào
hay sao chép ý tưởng của người khác.
Nhằm mục đích
nâng cao chất lượng dạy tập làm văn, giúp học sinh được học tập thông qua trải
nghiệm và học sinh được tiếp cận theo hướng phát huy năng lực, gắn kiến thức đã
học vào thực tế cuộc sống, có kĩ năng viết văn từ vốn từ các em có được và vốn
kiến thức thực tế, hạn chế cách viết văn rập khuôn, máy móc, lệ thuộc vào các
bài văn mẫu; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình dạy học môn Tập
làm văn đồng thời, trường Tiểu học Mỹ Thủy đã tổ chức thành công chuyên đề dạy
học “Dạy TLV thông qua hoạt động trải nghiệm”.
Hai
tổ chuyên môn dành thời gian để tập trung nghiên cứu, xây dựng tiết dạy và cử
ra giáo viên có năng lực để thực hiện chuyên đề có hiệu quả. Chiều ngày 26
tháng 3 năm 2021, chuyên môn đã tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hình thức
nghiên cứu bài học, dự giờ 2 tiết Tập làm văn do đồng chí Nguyễn Thị Bích Thuận
(tổ 1,2,3) và đồng chí Trần Thị Mai (tổ 4,5) thể hiện. Trong đó, tiết dạy “Luyện
tập tả cây cối” lớp 4 do đồng chí Trần Thị Mai đã mạnh dạn tổ chức dạy học theo
hoạt động trải nghiệm vườn trường. Trong tiết học này, học sinh được trực tiếp
quan sát cây cối ( các cây hoa, cây bóng mát trong sân trường), ghi chép lại
sau đó diễn đạt bằng lời những điều quan sát và cảm nhận được. Theo đó, những cảm
xúc thật của học sinh đã được gợi mở thông qua những câu hỏi gợi mở của giáo
viên. Trong tiết dạy này, giáo viên đã vận dụng linh hoạt các kĩ thuật dạy học mới
một cách nhuần nhuyễn để phát huy tính tích cực cho học sinh, giúp học sinh chủ
động, hứng thú hơn trong việc chiếm lĩnh kiến thức như: kĩ thuật khăn trải bàn,
mảnh ghép, kĩ thuật phòng tranh, sơ đồ tư duy...Học sinh rất hào hứng, say mê học
tập, kết quả đem lại cho tiết học đó là những bài văn của học sinh đã có những
phát hiện mới trong quan sát, sáng tạo trong dùng từ, những cảm xúc mới và chân
thật. Học sinh được có cơ hội chia sẻ, cảm nhận được những hình ảnh tinh tế,
câu văn gợi tả, gợi cảm của các bạn. Dạy tập làm văn không còn khuôn mẫu, áp đặt
mà giáo viên đã phát huy vốn sống, vốn hiểu biết của các em, sản phẩm của các
em có được thông qua sự trải nghiệm thú vị mà có.
Các tiết dạy
thành công ngoài mong đợi nhờ sự vận dụng linh hoạt các phương pháp và các kĩ
thuật dạy học tích cực, đa dạng hóa hình thức dạy học, chú trọng đến dạy học
theo hướng hoạt động trải nghiệm. Hy vọng rằng, chuyên đề được vận dụng ngày
càng hiệu quả không những trong dạy học tập làm văn mà còn cả các môn học khác
tại đợn vị góp phần nâng cao chất lượng dạy học, phát triển năng lực học sinh
theo định hướng đổi mới giáo dục hiện nay.
Một số hình ảnh trong các tiết dạy
chuyên đề:











Phạm Thị Khoa