Trên thế giới có những cuốn sách hay nổi tiếng mang đậm nét nhân văn. Chúng chắp thêm đôi cánh tưởng tượng cho tâm hồn con trẻ, cho các em cái nhìn trong sáng. Chúng sẽ góp phần bồi dưỡng tâm hồn cao thượng và trí tuệ ưu tú cho các em. “Những tấm lòng cao cả” là một trong những cuốn sách như thế.

Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu cuốn sách “Những tấm lòng cao cả” Văn học Ý của tác giả Edmondo de Amicis, người dịch Hoàng Thiểu Sơn do Nhà xuất bản Kim đồng ấn hành năm 2017.
Những Tấm Lòng Cao Cả là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng dành cho thiếu nhi của đại văn hào người Ý Edmondo de Amicis xuất bản năm 1886. Cho đến nay Những Tấm Lòng Cao Cả vẫn là một tượng đài lý tưởng về giáo dục. Cuốn tiểu thuyết là dành cho thiếu nhi nhưng người lớn cũng cần phải đọc nó, nhất là các bậc phụ huynh và các thầy cô giáo, bởi nó sẽ mang đến cho chúng ta nhiều bài học mà ngay cả người lớn cũng không biết.
Truyện xoay quanh cuộc sống và trường học và cậu bé Enrico 10 tuổi, cách kể chuyện chân thực và đi vào lòng người. Nó để lại cho người đọc những bứt rứt khó tả qua câu những chuyện về thầy cô, bạn bè, cuộc sống và những câu chuyện đọc hàng tháng.
Đó là câu chuyện về một cô giáo bị ốm nhưng vẫn gắng sức đi dạy vì sợ các em bị lỡ bài, cuối cùng cô đã mất ba ngày trước khi kết thúc năm học. Thậm chí trước khi chết cô còn yêu cầu thầy hiệu trưởng đừng cho các em học sinh đi theo đám tang vì sợ các em khóc. Hay câu chuyện về một người thầy khi ốm nặng nghĩ mình không qua khỏi, ông nhìn vào tấm ảnh học trò cũ ở đầu giường và nói: “Khi sắp chết, cái nhìn cuối cùng của thầy sẽ quay về họ”… Câu chuyện về một người thầy giáo tận tụy gắn bó với với nghề mấy chục năm nhưng chỉ vì run tay lỡ đánh rơi một giọt mực vào cuốn vở của học sinh mà thầy phải xin nghỉ… Hay câu chuyện cảm động về một thầy giáo biết học sinh ngủ gật vì phải dậy sớm làm việc, thầy không trách mắng mà đến cuối giờ mới đánh thức cậu dậy ôm cậu vào lòng và nói, thầy biết con đã vất vả nhiều… Tất cả là những câu chuyện giản dị, chân thực dễ đi vào lòng người và ở lại luôn trong đó…
Không chỉ câu chuyện về thầy cô, nhà văn Edmondo De Amicis cũng đan xen vào đó những câu chuyện giáo dục con cái rất nhân văn. Enrico xuất thân từ một gia đình thượng lưu, đôi khi cậu không hiểu hết những câu chuyện của cuộc sống và xã hội nhưng bố mẹ cậu đã dạy con trai từ những bài học nhỏ nhất. Đó là câu chuyện làm từ thiện của mẹ Enrico cho một người phụ nữ nghèo, khi Enrico nhận ra con của người phụ nữ đó là bạn mình, bà mẹ đã ngăn không cho con nhận bạn vì sợ bạn buồn. Nhưng khi hai đứa trẻ nhận ra nhau, bà đã để hai đứa chạy đến và ôm nhau. Hay khi một người bạn bị gù lưng của Enrico đến chơi, bố mẹ đã lén cất bức tranh chú hề bị gù ở phòng khách để bạn không mặc cảm… Bên cạnh đó còn là những bức thư bố mẹ gửi con nói về tình yêu tổ quốc, cách cư xử, yêu thương mọi người và những nhân cách tốt trẻ cần phải có.
Truyện đọc hàng tháng của Enrico dễ làm người ta rơi nước mắt nhất. Đó là câu chuyện về một cậu bé nhường chỗ trên phao cứu sinh cho cô bạn đường mới quen khi tàu gặp nạn chỉ vì người bạn đó có gia đình, còn cậu thì không. Câu chuyện về cậu bé trinh sát vì cố gắng hoàn thành nhiệm vụ mà bị trúng đạn và hy sinh, khi chết cậu được đắp trên mình lá cờ Tổ quốc, sự hy sinh cao cả của cậu được người người cảm phục và biết ơn. Hay câu chuyện về một cậu bé đã dũng cảm lấy thân mình đỡ nhát dao từ kẻ cướp để bảo vệ bà…
"Những tấm lòng cao cả” quả đúng là một thiên trường ca cảm động. Qua những câu chuyện nhỏ hàng ngày mà cậu bé Enrico Bottini chứng kiến hoặc những bức thư cảm động của bố mẹ cậu, De Amicis đã viết thành một tác phẩm có giá trị. Thỉnh thoảng có một trang sách tả riêng về một số ông bố, bà mẹ học sinh. Chẳng qua De Amicis đã mượn ngòi bút của cậu bé 11 tuổi để nói chuyện người lớn. Vì lẽ đó, “Những tấm lòng cao cả” không chỉ là một cuốn sách dành cho trẻ em mà còn là một cuốn sách dành cho người lớn. Cách viết của truyện như một quyển nhật kí cảm động. Mọi câu chuyện, mọi sự việc đều được ghi chép một cách tỉ mỉ. Mỗi khi Enricô phạm một sai lầm nào đó, bố hoặc mẹ cậu đều viết một bức thư mà khi đọc nó, người sắt đá nhất chắc cũng phải cảm động. Hàng tháng, thầy Pecbôni cho đọc một câu chuyện gọi là truyện đọc hàng tháng. Những câu chuyện đó cũng được ghi chép vào quyển nhật kí của Enricô. Không những thế, tác phẩm ngầm nêu lên về quan điểm giáo dục trẻ em: thật thà, dũng cảm. Không hèn nhát, lạm dụng lòng tốt của người khác, dạy trẻ những bổn phận với bố mẹ, gia đình, thầy cô, bạn bè, kính yêu thầy cô giáo và trường học.
Tất cả những câu chuyện đó đều bình dị, nhưng sâu sắc và đọng lại mãi mãi trong tiềm thức mỗi người về lòng dũng cảm, trung thực, nghị lực, biết ơn, yêu quê hương, kính trọng người lao động… và tránh xa những thói xấu đố kị, hèn nhát, khoe khoang, vô cảm, lợi dụng lòng tốt của người khác.
Lật mở từng trang của cuốn "Những tấm lòng cao cả" dường như tôi đều phải lặng người trước mỗi chương, từng mẩu chuyện nhỏ quá đỗi thân thuộc, từng đứa học trò nghịch ngợm hiếu động, từng người thầy... Tất cả cứ miên man trong tâm trí bạn đọc qua ngòi bút chân tình của nhà văn Edmondo De Amicis nước Ý.
Sáu mươi chương là sáu mươi câu chuyện khác nhau nhưng nó đều được quy tụ lại bằng tình yêu thương, bằng tấm lòng cao cả của cô nhóc cậu nhóc, của thầy cô, của mẹ cha và của cả những người xa lạ. Với người lớn, đó là hồi ức. Với trẻ thơ, đó là thiên hướng của cuộc đời. Vậy thì những bạn trẻ ơi, tại sao chúng ta không tìm lại cho chính mình những hoài niệm và để tâm hồn bình an hơn. Còn những ông bố, bà mẹ tại sao lại không ưu ái chọn nó làm cuốn sách gối đầu giường dành cho bé yêu. Hãy để cuốn sách mở rộng tâm hồn, hãy để "Những tấm lòng cao cả" mở ra hàng ngàn tấm lòng cao cả hơn thế nữa kia.
Đã hơn 100 năm, nhưng những bài học về giáo dục con người trong Những Tấm Lòng Cao Cả vẫn chưa bao giờ cũ, bởi đó là những bài học cốt lõi, những nhân cách cơ bản mà mỗi người cần có. Xã hội ngày càng thay đổi và thậm chí là biến chất, hãy đọc Những Tấm Lòng Cao Cả để giáo dục con em mình tốt hơn.Qua "Những tấm lòng cao cả", Amicis muốn gửi gắm đến các em thiếu nhi những bài học đạo đức sâu sắc cũng như vai trò quan trọng của nhà trường, cha mẹ trong việc dạy dỗ trẻ em.
Mỹ Thủy, ngày 2 tháng 11 năm 2024
CBTV
Trần Thị Lệ Thủy